Sự kiện

Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện

Thứ hai, 17/3/2008 | 15:22 GMT+7

Diễn biến thời tiết hiện nay đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện, trong khi sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc có chiều hướng tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

                       

       Nhà máy Thủy điện Đại Ninh đã phát điện tổ máy 1. Dự kiến cuối tháng 3-2008 phát điện tổ máy 2.

Cầu tăng mạnh, cung gặp khó khăn

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), sản lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất của toàn hệ thống trong tháng 2 lên tới 206,1 triệu kWh, tức là tăng tới 15,96% so với cùng kỳ năm 2007.

Trung bình mỗi ngày toàn quốc tiêu thụ 180,4 triệu kWh (tăng 15,64%), trong đó miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung: 11,1%, miền Nam: 13,4%.

Dự báo, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 sẽ lên tới 6,643 tỷ kWh, tăng hơn 1,4 tỷ kWh so với tháng 2. Để hạn chế tối đa việc phải cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm, EVN đặc biệt khuyến khích khách hàng thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, công sở được đề nghị giảm ít nhất 10% chi phí điện năng hàng năm; cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ lớn bố trí phương thức sử dụng điện hợp lý, hạn chế vào giờ cao điểm.

Ông Hùng cũng cho biết, trong năm 2008, EVN sẽ đồng loạt xây dựng 1.000 điểm phân phối đèn compact Điện lực trên phạm vi toàn quốc, bán đèn với giá thấp hơn từ 10% trở lên so với giá bán ngoài thị trường. Ngày 15-3 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức khai trương website về tiết kiệm điện tại địa chỉ www.tietkiemnangluong.vn.

Đây là trang web điện tử đầu tiên tại Việt Nam thông tin về tất cả các lĩnh vực liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tiết kiệm điện, giới thiệu chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, Nhà nước, các bộ ngành và của EVN thông qua các văn bản luật, nghị định, quy định…

Đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải

Trong khi nhu cầu tăng trưởng phụ tải ngày càng cao (gần 20%/năm trong 5 năm tới) thì công tác phát triển nguồn cung điện đang gặp khó khăn rất lớn, không chỉ ở nguồn phát mà ở cả việc xây dựng đường dây truyền tải. Điển hình là việc mới đây Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực VN đã yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp khiếu kiện liên quan đến dự án đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn để sớm bàn giao mặt bằng thi công, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ cuối tháng 3-2008.

Theo số liệu cập nhật của EVN, hiện toàn quốc có trên 180.000 nhà dân tự xây cất hoặc được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện (HLAT).

Ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Ở các thành phố, thị xã thì có tình trạng người dân tìm cách lấn chiếm phần đất để cơi nới, cải tạo nên cố tình vi phạm các tiêu chuẩn an toàn quy định trong Nghị định số 54/1999/NĐ-CP và nay là Nghị định 106/2005/NĐ-CP. Ngược lại, ở nông thôn, vùng sâu, vùngxa, nhiều hộ dân không đồng ý di dời, hoặc không đồng ý cho đường dây đi qua khu vực nhà đất của mình. Chính vì vậy mà việc xây dựng đường dây truyền tải điện gặp vướng mắc rất lớn”. 

Để Nhà máy điện Cà Mau 2 được đưa vào vận hành đúng tiến độ và bảo đảm cung cấp khí cho các nhà máy điện Cà Mau, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn chỉ đạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam cùng nhà thầu Siemens có ngay phương án và giải pháp đẩy nhanh tiến độ của Nhà máy điện Cà Mau 2, bảo đảm phát điện vào cuối tháng 3-2008.

Dự kiến từ nay đến năm 2015, EVN sẽ phải xây dựng mới 25.420 km đường dây truyền tải điện ở các cấp điện áp 110, 220, 500 kV trên cả nước. Thống kê cuối năm 2006 là 18.430 km.

Theo SGGP