Sự kiện

Phát triển Điện lực TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030: Gắn với phát triển kinh tế-xã hội của vùng Thủ đô và lãnh thổ

Thứ hai, 5/11/2007 | 00:00 GMT+7
Trong mấy năm trở lại đây mức độ gia tăng điện thương phẩm của Hà Nội khá cao đạt trung bình gần 12%/năm, đặc biệt vào mùa hè (tháng 7-2006) thành phố tiêu thụ sản lượng cao nhất tới 16,592 triệu kWh/ngày tăng hơn 1,8 lần so với mức tiêu thụ điện cao nhất của năm 2000 là 9,15 triệu kWh. Các tỉnh trong vùng Thủ đô có mức tăng trưởng từ 15 đến 25%/năm, đặc biệt có một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 25%/năm như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Tình hình này đặt ra cho Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Thủ đô nhiệm vụ hết sức cấp bách cần nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải kết hợp cải tạo và phát triển lưới điện phân phối để đáp ứng cung cấp điện an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội.

                                          

                                  Cải tạo lưới điện tại huyện Sóc Sơn-HN

So với dự báo Quy hoạch giai đoạn 2001-2005, thì đến năm 2006 điện thương phẩm của Hà Nội mới thực hiện đạt gần 100%. Mặc dù sản lượng điện thương phẩm đạt được so với dự báo chậm 1 năm nhưng có thể đánh giá là nhiều phụ tải điện lớn như các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị mới của Thủ đô đã được lấp đầy và bắt đầu tiêu thụ điện với mức độ ngày càng lớn. Tuy nhiên, tình trạng vận hành của hệ thống vẫn chưa kinh tế, chênh lệch giữa cao và thấp điểm chung toàn thành phố năm 2006 vẫn là 2 lần, mặc dù đã thấp hơn các năm trước đó (khoảng 2,5 lần). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện các biện pháp và quy định về hiệu quả sử dụng điện năng (quản lý nhu cầu, chuyển dịch điều khiển phụ tải).

Các nguồn cung cấp điện được đảm bảo khá vững chắc từ các nhà máy điện lớn là Hòa Bình, Phả Lại và Ninh Bình nhưng hệ thống lưới điện truyền tải 110kV, đặc biệt là các đường dây 110kV Hà Nội hầu hết đều có tiết diện nhỏ nên đã đặt ra nhiều khó khăn trong truyền tải khi phụ tải ngày một tăng và khi các trạm 110kV mở rộng cải tạo nâng công suất. Hiện nay trong chương trình chống quá tải Cty Điện lực Hà Nội đã có kế hoạch nâng cấp cải tạo các tuyến đường dây này nhưng tiến độ thực hiện còn chậm. Vì vậy, trong nhưng năm tới, với tốc độ tăng trưởng phụ tải vẫn ở mức trên cũng sẽ rất khó đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Hệ thống lưới điện 6, 10kV đang được đầu tư cải tạo nâng cấp lên 22kV với tiến độ khá nhanh. Song, hệ thống lưới trung áp vẫn còn tồn tại nhiều cấp điện áp nên khó khăn trong quản lý vận hành và hạn chế rất nhiều khả năng linh hoạt cung cấp điện mỗi khi có sự cố.

Trên cơ sở kế hoạch mở rộng, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, nhà máy xí nghiệp với quy mô sản xuất...dự kiến đến năm 2010, công nghiệp Hà Nội sẽ góp 38-40% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, tốc độ tăng bình quân của GDP công nghiệp phấn đấu đạt 12-14%/năm giai đoạn 2001-2010, riêng giai đoạn 2006-2010 đạt 13-14%/năm. Do vậy, dự kiến nhu cầu điện cho công nghiệp, xây dựng  tăng trưởng có thể lên tới 17,1% (phương án cao); nhu cầu điện cho nông-lâm-thuỷ sản đạt 35,7 triệu kWh; nhu cầu điện cho thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng tăng trưởng bình quân khoảng 15,2%/năm; nhu cầu điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư có tốc độ tăng trưởng lên tới 13,1% (phương án cao); nhu cầu điện cho hoạt động khác tăng trưởng bình quân khoảng 18,2%/năm.

Hiện tại, điện năng thương phẩm của Hà Nội chiếm 8,6% trong tổng điện tiêu thụ toàn quốc. Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người của Hà Nội đạt khoảng 1.258kWh/người, cao gấp 2,3 lần so với tiêu thụ điện bình quân của cả nước.

Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, phân vùng phát triển kinh tế và dự kiến phát triển trong tương lai, dự kiến chia TP Hà Nội thành 2 vùng phụ tải: vùng phụ tải 1 là Nam sông Hồng và Trung tâm bao gồm 8 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm; vùng phụ tải 2 là Bắc sông Hồng gồm các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên. Mặc dù vùng phụ tải này hiện nay chỉ chiếm 25,1% tổng điện thương phẩm toàn thành phố song lại là khu vực có mức gia tăng phụ tải khá mạnh, bình quân tăng 18,3%/năm trong những năm qua.

Việc phát triển hệ thống cung cấp điện cho Hà Nội sẽ được trên cơ sở hệ thống cung cấp điện hiện hữu và xu hướng phát triển nhằm đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội của vùng Thủ đô và lãnh thổ. Trong giai đoạn 2006-2030, để đảm bảo mức độ tự động hóa cao, lưới điện Hà Nội từng bước sẽ được ứng dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, Cty Điện lực Hà Nội đã đầu tư xây dựng hệ thống SCADA/DMS cho Trung tâm điều độ lưới điện Hà Nội với tổng vốn đầu tư 9,721 triệu USD (136,1 tỷ đồng) phụ vụ cho việc điều hành lưới điện Hà Nội đồng thời tạo khả năng phối hợp có hiệu quả với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, với nhiệm vụ thu thập, hiển thị, giải thích, quản lý và điều hành kinh doanh.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho lưới điện Hà Nội giai đoạn 2006-2030 là 38.220 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2006-2010 là 15.819 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 22.401 tỷ đồng./

Thanh Mai