Sự kiện

Thế kỷ 21: Thời kỳ phục hưng điện hạt nhân

Thứ hai, 19/5/2008 | 11:26 GMT+7

Thế kỷ 21 là thời kỳ phục hưng của điện hạt nhân, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn nói về tình hình phát triển điện hạt nhân ở VN.

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn

Theo Viện trưởng Tấn, để đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, VN cần đa dạng hoá các nguồn cung ứng năng lượng. Một trong những nguồn năng lượng mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm là năng lượng nguyên tử.

Nhân triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2008 tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet xung quanh vấn đề này.

Xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân VN phải đầu tư 8 tỷ USD

-Thưa ông, Viện Năng lượng Nguyên tử VN có đóng góp, kế hoạch gì cho việc phát triển nguồn năng lượng này? 

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn: Viện đã trực tiếp tham gia soạn thảo, xây dựng dự án Luật Năng lượng Nguyên tử để trình Quốc hội. Quốc hội cũng đang thảo luận (dự kiến sẽ thông qua  ở kỳ họp này) nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển ứng dụng.

Về phát triển điện hạt nhân có 2 hoạt động quan trọng. Về xây dựng hạ tầng, hiện Viện Năng lượng Nguyên tử đang ráo riết triển khai. Thứ hai là hoạt động gắn với xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Viện cũng đang phối hợp Bộ Công thương thực hiện.

- Những điểm đáng quan tâm trong Bộ Luật Năng lượng Nguyên tử sắp thông qua là gì?

- Luật Năng lượng Nguyên tử đề cập đến tất cả các hoạt động, không chỉ là nhà máy điện hạt nhân, mà cả ứng dụng bức xạ trong ngành y tế, khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu, quản lý an toàn... bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn cho hoạt động này.

Khi xây dựng luật này, quan trọng nhất là chúng tôi tham khảo tài liệu hướng dẫn luật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và tham khảo luật của một số nước có điện hạt nhân và không có điện hạt nhân ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Nga.

Thời gian làm dự thảo bắt đầu từ năm 2003. Trong dự thảo luật này có một chương rất quan trọng là chương phát triển năng lượng nguyên tử trong đó có đề cập đến Nhà nước phải có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, chương trình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Hiện, chúng tôi đang đề xuất thành lập trung tâm đào tạo, theo kinh nghiệm các nước Viện Năng lượng Nguyên tử phải có một trung tâm đào tạo. Mặc dù đặt ở Viện Năng lượng Nguyên tử nhưng lại mang tính chất đào tạo của quốc gia.

- Chính phủ vừa quyết định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất 4.000MW, xin ông cho biết cụ thể đề án đang ở giai đoạn nào?

- Việt Nam sẽ xây 2 nhà máy, một ở xã Phước Dinh, một ở xã Vĩnh Hải tỉnh Ninh Thuận. Công suất ban đầu khoảng 4.000MW (chiếm 7-8% tổng sản lượng điện). Chúng tôi đã hoàn thành dự án tiền khả thi và trình Chính phủ xem xét. Sau khi Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ hoàn thiện và trình trình CP và Quốc hội phê duyệt. Dự kiến đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ đi vào vận hành và phát điện.

Mức đầu tư hiện nay bình quân khoảng 2.000 USD/KW công suất, để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân VN phải đầu tư 8 tỷ USD. Vấn đề công nghệ đã được các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá nhưng chưa có quyết định chọn công nghệ của nước nào. Đến năm 2040, dự kiến điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng từ 25-30%, do vậy VN sẽ xây dựng và phát triển thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân, không chỉ dừng lại ở hai nhà máy này.

Việt Nam còn 13 năm cho sự chuẩn bị các bước. Theo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu lộ trình đã đề ra.

Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của VN tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. tỉnh Ninh Thuận

Cần 800 nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân

- Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá của ông về khâu đào tạo, nguồn nhân lực hiện có của Việt Nam cho lĩnh vực này?

- Lực lượng chính còn lại ở Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khoảng hơn 700 người. Thời gian qua, do xu hướng của thế giới giảm không đào tạo điện hạt nhân, nên ở nước ta cũng vậy. Hiện có 4 trường đào tạo điện hạt nhân là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Đà Lạt. Mặc dù vậy, nhưng vì nhu cầu không có nên việc đào tạo cũng chung chung, không đi đúng chuyên môn. Khâu đào tạo hạt nhân đã mở rộng đào tạo để phù hợp với nhu cầu ví dụ như Đại học Đà Lạt đào tạo thành Vật lý Kỹ thuật.

- Thưa ông, hai nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành cần bao nhiêu nhân lực?

- Để vận hành một nhà máy điện hạt nhân 2.000MW cần 400 nhân lực, 2 nhà máy điện hạt nhân cần khoảng 800 nhân lực làm việc trực tiếp. Trong đó, chuyên gia về điện hạt nhân chỉ chiếm 10% (80 người cả hai nhà máy) không phải là nhiều và trong đề án chúng tôi đã xây dựng kế hoạch bắt đầu đào tạo. Còn lại chủ yếu là nhân lực của EVN biết kế hoạch để đào tạo nhân lực, trong mấy năm qua, EVN đã rất tích cực làm công việc này. Hiện EVN có 70.000 nhân lực có thể làm được việc này.

Mỗi năm, Viện Năng lượng Nguyên tử tuyển 30-40 người, do đặc thù VN chưa có trường ĐH nào đào tạo về chuyên ngành điện hạt nhân nên chúng tôi tuyển các sinh viên giỏi từ các ngành như cơ khí, điện tử, vật lý... những chuyên ngành có liên quan đến năng lượng nguyên tử sau đó chúng tôi đào tạo thêm và cử đi học ở nước ngoài.

Cho nên nhân lực không phải là vấn đề quan trọng.

- Theo ông vấn đề quan trọng nhất hiện nay là gì?

- Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần sự quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo và phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành thì mới có thể thực hiện đồng bộ theo lộ trình được.

Hiện nay vấn đề chỉ đạo chưa được tập trung lắm và cần có người đứng đầu và thành lập một ban chỉ đạo nhà nước về vấn đề điện hạt nhân. Đây là quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Hiện nay, vai trò nhạc trưởng được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN nhưng Bộ KH&CN chỉ thực hiện chiến lược của Thủ tướng, trong khi chiến lược có 2-3 đề án và có liên quan đến Bộ Công thương và các bộ ngành khác nữa. Nếu đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân để ở cấp bộ thì không đủ tầm cỡ điều hành. Phải có một ban chỉ đạo và ít nhất là có một phó thủ tướng làm trưởng ban kiểm tra, đôn đốc. Trong báo cáo trình Thủ tướng chúng tôi cũng đề xuất vấn đề này.

- Vừa qua đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT Quốc hội do GS. TSKH Đặng Vũ Minh tham và làm việc tại Nhật Bản về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, có nhiều ý kiến cho rằng VN có quan tâm đến công nghệ của Nhật Bản hơn cả, ý kiến của ông về việc này?  

- Hiện nay các đối tác tham gia đều bình đẳng và chúng ta không thiên vị nước nào. Chúng ta vẫn đang tiếp nhận sự giúp đỡ của tất cả các nước.

Thế kỷ 21: Thời kỳ phục hưng điện hạt nhân

- Thưa ông, xu thế của một số nước trên thế giới không sử dụng năng lượng này, xin ông cho biết, đây có phải thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển  điện hạt nhân không?

- Không phải như vậy, như tôi đã nói, thế kỷ 21 là thời kỳ phục hưng điện hạt nhân rất mạnh. Hiện nay trên thế giới, rất nhiều nước quan tâm đến phát triển điện hạt nhân, nếu Việt Nam không nắm bắt được, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội. Trên thế giới có khoảng 30 nước đang phát triển quan tâm đến điện hạt nhân, nhờ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) giúp đỡ. Trong khi nhiều nước cùng muốn phát triển điện hạt nhân, mà những nước có khả năng cung cấp thì hạn chế do vậy cần nắm được cơ hội này để tranh thủ lợi thế thời điểm.

Lịch sử phát triển điện hạt nhân bắt đầu từ những năm 50. Năm 54 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đã đi vào vận hành ở  Nga. Những năm 70, sau khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất, tốc độ phát triển điện hạt nhân lên nhanh gấp 2 lần từ chiếm 9% cung ứng năng lượng lên 17%. Sau 2 sự cố lớn trên thế giới ở Mỹ năm 1979 và ở Nga (Chernobyl) năm 1986, niềm tin của công chúng về điện hạt nhân bị suy giảm. Từ đó các nước chỉ cải tiến không xây dựng thêm. Tuy nhiên, bắt đầu thiên niên kỷ này, vì nhu cầu năng lượng tăng cao, công nghệ điện hạt nhân được cải tiến mạnh mẽ. Thế giới bắt đầu quay trở lại phát triển điện hạt nhân.

- Một trong những vấn đề hiện nay người dân tỉnh Ninh Thuận đang lo lắng là vấn đề an toàn, đề án có kế hoạch thuyết phục họ như thế nào?

- Trăm nghe không bằng mắt thấy, chúng tôi có mời các nước tham gia triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2008 báo cáo trực tiếp với người dân về vấn đề này. Tuần sau sẽ có một đoàn chuyên gia của Pháp đến Ninh Thuận, địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân này báo cáo.

- Đối với vấn đề xử lý nguồn chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân, dự án có kế hoạch gì cho vấn đề này?

- Về chất thải, nhà máy điện hạt nhân có hai dạng: Dạng thải phóng xạ thấp (phát sinh từ các phin lọc của lò phản ứng, từ các dụng cụ thay ra...), có thời gian bán rã ngắn, dài nhất 30 năm. Để xử lý, người ta sẽ bê tông hóa chúng, đóng vào các container nhỏ rồi chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ trở lại trạng thái an toàn. Một lò 1.000MW mỗi năm sẽ thải ra khoảng 800 tấn chất thải loại này, cô đặc lại còn khoảng 10 mét khối. Đấy không là vấn đề khó khăn. Loại chất thải đáng lo ngại nhất là nhiên liệu đã cháy. Một lò 1.000MW thải ra khoảng 30 tấn mỗi năm. Chúng có cường độ phóng xạ cao, và thời gian bán rã rất lâu. Song, từ khi nhiên liệu được thải ra cho đến khi cần xử lý phải mất 40-50 năm. Như vậy, nếu Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, thì phải đến năm 2070, chúng ta mới cần tính đến việc này. Trong thời gian đó, chắc chắn công nghệ xử lý của thế giới đã đi rất xa, và có thể áp dụng cho Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VNNet