Sự kiện

Thực hiện chương trình giảm TTĐN: Cần Quyết liệt hơn

Thứ ba, 20/5/2008 | 14:06 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp giảm tổn thất điện năng, song tỷ lệ tổn thất năm 2007 của Tập đoàn vẫn ở mức 10,56%, cao hơn kế hoạch 0,06%. Đây là yếu tố rất bất lợi và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện Chương trình giảm tổn thất điện năng của EVN xuống 8% vào năm 2010.

“Mẹ” đã quyết tâm…

Thực hiện Chương trình giảm tổn thất điện năng năm 2007 và giai đoạn 2007-2010, ngay từ cuối năm 2006, EVN đã có Quyết định thành lập lại Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng Tập đoàn. Năm 2007, Ban chỉ đạo đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị kiên quyết thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm tổn thất điện năng; tính toán giao lại chỉ tiêu kế hoạch tổn thất cho các công ty do việc bàn giao lưới điện 110 kV từ các công ty truyền tải sang các công ty điện lực. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan trong Tập đoàn triển khai chương trình giảm TTĐN của EVN và của từng đơn vị. Thông qua các đợt kiểm tra, Ban chỉ đạo đã góp ý và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện bổ sung chương trình, các giải pháp giảm TTĐN một cách cụ thể, chi tiết hơn, nhất là những công ty có tổn thất cao như: Công ty Điện lực 1, 2, Hà Nội, Ninh Bình.

 

Kiểm tra, nâng cấp lưới điện kịp thời góp phần giảm tỷ lệ tổn thất điện năng

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng, ngoài việc yêu cầu các đơn vị triển khai sử dụng phần mềm PSS/ADEPT, Ban chỉ đạo tiếp tục đôn đốc các đơn vị hoàn thành sớm các công trình xây dựng lưới điện theo kế hoạch; tăng cường các biện pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh tiếp tục phấn đấu giảm tổn thất điện năng; kiên quyết hơn nữa trong công tác chống tổn thất thương mại để ngăn ngừa các biểu hiện câu móc sử dụng điện bất hợp pháp; xây dựng lại quy định tính toán tổn thất điện năng trên lưới điện phù hợp với mô hình hoạt động mới của các công ty, nhà máy/công ty phát điện để đảm bảo tính đúng tổn thất trên lưới điện thuộc quyền quản lý của các công ty truyền tải, điện lực; hướng dẫn việc tách điện tự dùng của các trạm 110 kV - 500 kV khỏi tổn thất điện năng của lưới điện để hạch toán riêng. Ngoài ra, để tăng cường công suất phản kháng trên lưới điện trung, hạ thế, năm 2007, Tập đoàn đã yêu cầu các công ty điện lực lắp đặt tụ bù công suất với tổng dung lượng là 633,8 MVAR. Tuy nhiên đến 25/12/2007, dung lượng tụ bù đã lắp đặt được chỉ đạt 522,4 MVAR, riêng Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đạt rất thấp so với kế hoạch được giao.

Chính nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tập đoàn, sự nỗ lực triển khai các giải pháp kỹ thuật vận hành, đầu tư cải tạo lưới điện cũng như các biện pháp nghiệp vụ kinh doanh nhằm giảm TTĐN của các đơn vị, nên về cơ bản các công ty đều cố gắng phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Năm 2007, TTĐN của các công ty Truyền tải điện 1, 2, 4 đều giảm so với chỉ tiêu từ 0,2 đến 0,5%, chỉ riêng Công ty Truyền tải điện 3 là cao hơn 0,13% so với kế hoạch do lưới điện 110 kV bàn giao cho Cty CPĐL Khánh Hòa chuyển sang tháng 1/2008; 8/11 công ty điện lực có tỷ lệ TTĐN thấp hơn so với chỉ tiêu EVN giao, còn Cty điện lực 1, Hà Nội, Ninh Bình thực hiện không đạt kế hoạch giao kéo theo tổn thất chung của toàn EVN vẫn cao hơn kế hoạch 0,06%.  

“Các con” nỗ lực chưa cao

Theo đánh giá của Ban Kỹ thuật Lưới điện EVN, công tác giảm TTĐN năm 2007 vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, ngoài nguyên nhân do công tác tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn với chất lượng kém, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có TTĐN cao tại nhiều cty điện lực, nhất là Cty Điện lực 1, Hà Nội, Ninh Bình, dẫn đến những bất lợi cho các đơn vị này trong quá trình thực hiện, thì việc một số công trình đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng công suất lưới điện chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cải thiện chất lượng và khả năng cung cấp điện an toàn-kinh tế-kỹ thuật của lưới điện. Hơn nữa, một số đơn vị chưa kịp thời nắm bắt nhu cầu phụ tải, bị động trong việc chống quá tải và phát triển lưới điện, hệ thống lưới truyền tải 220 - 500 kV có những thời điểm mang tải cao, thậm chí quá tải, điện áp ở một số khu vực bị thấp tại một số thời điểm trong năm. Các cty điện lực triển khai lắp đặt tụ bù chậm, thay thế công tơ định kỳ theo quy định kéo dài đến tận tháng cuối năm. Thậm chí có một số công ty sang đến cuối quý IV năm 2007 vẫn còn khối lượng lớn công tơ chưa thay được theo kế hoạch. Công tác chống tổn thất thương mại chưa thực hiện triệt để và quyết liệt. Tình trạng lấy cắp điện dưới nhiều hình thức vẫn tiếp diễn và chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trong năm 2007, kiểm tra sử dụng điện trên tòan quốc đã phát hiện hộ vi phạm sử dụng điện chiếm gần 8,5% tổng số hộ được kiểm tra…

Quyết liệt và chủ động hơn nữa

Với mục tiêu năm 2008 phấn đấu đưa TTĐN xuống 9,6% (giảm 0,98% so với năm 2007), Tập đoàn sẽ kiên quyết chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục những tồn tại của năm 2007 và triển khai quyết liệt các giải pháp để công tác giảm TTĐN phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh những thuận lợi do áp dụng thống nhất Quy định cách xác định TTĐN theo ranh giới giao nhận điện tại xuất tuyến của các nhà máy điện (tách TTĐN của các MBA nâng áp các nhà máy điện khỏi TTĐN của EVN) và không tính điện tự dùng tại các trạm biến áp vào TTĐN để đảm bảo hạch toán đúng bản chất TTĐN. Năm 2008 vẫn luôn có nguy cơ thiếu nguồn, do đó phải huy động cao các nguồn điện hiện có, dẫn đến không lựa chọn được phương án để tổn thất điện năng là nhỏ nhất; việc tiếp nhận lưới điện hạ thế của các xã, của các nông, lâm trường... có chất lượng kém, TTĐN cao để bán lẻ điện đến hộ dân tại các công ty điện lực ngày càng tăng nhưng do khó khăn về vốn, các công ty không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp nhanh được.                

Các công ty, đơn vị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp về kỹ thuật - vận hành, kinh doanh, đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp lưới điện có tính xuyên suốt cả giai đoạn 2007-2010 mà Tập đoàn đã đề ra và tập trung thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm như: Đảm bảo tiến độ các công trình xây dựng mới, nâng công suất của lưới điện 110 kV, lưới điện trung áp có kế hoạch tiến độ đóng điện trong năm 2008 do các công ty làm chủ đầu tư; có kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện một cách sát sao, quyết liệt, xác định trách nhiệm rõ ràng trong việc đảm bảo tiến độ công trình; khẩn trương cải tạo, nâng cấp lưới điện 110 kV (nâng tiết diện dây, nâng công suất MBA) cho các khu vực đã đầy tải và quá tải trong năm 2007 và sẽ đầy và quá tải năm 2008; Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia, các Trung tâm Điều độ HTĐ miền và điều độ điện lực tỉnh cần tính toán, bố trí phương thức vận hành tối ưu, khai thác HTĐ an toàn-kỹ thuật và kinh tế; các công ty truyền tải điện, CTĐL, các điện lực cần thường xuyên theo dõi tình trạng mang tải của đường dây và MBA qua đó chủ động lập phương án xử lý tránh đầy tải và quá tải. Đồng thời tập trung hoàn thành sớm kế hoạch thay thế định kỳ công tơ năm 2008  trong quý II hoặc chậm nhất là vào đầu quý III/2008 nhằm phát huy hiệu quả cao giảm TTĐN; Chú trọng thay thế dần các công tơ không đủ tiêu chuẩn của lưới điện hạ thế nông thôn, nông, lâm trường mà các CTĐL tiếp nhận trong những năm vừa qua để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; tăng cường các biện pháp quản lý hệ số phụ tải khách hàng, thực hiện nghiêm túc công tác mua bán công suất phản kháng theo quy định. Vận động các khách hàng có cosφ thấp hơn quy định lắp đặt tụ bù; Đẩy mạnh chương trình DSM. Chú trọng công tác điều hoà công suất cao, thấp điểm, tăng cường kiểm tra việc sử dụng điện của các hộ theo biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện, đặc biệt kiểm tra công suất sử dụng vào giờ cao điểm. Tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm; Tăng cường phúc tra chỉ số công tơ, kiểm tra và phối hợp các cơ quan địa phương xử lý vi phạm sử dụng điện, tiến hành quyết liệt, thường xuyên công tác kiểm tra chống tổn thất thương mại từ Điện lực xuống đến các Chi nhánh điện…

Với tình hình thực tế như hiện nay, việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2008 xuống 9,6% đối với EVN và các đơn vị trực thuộc là rất khó khăn, song với những kết quả ban đầu đã đạt được, những nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện từ EVN đến các đơn vị, nhất định mục tiêu này sẽ thành hiện thực, tạo điều kiện thuận lợi để năm 2010, tỷ lệ tổn thất của EVN chỉ còn 8% như kế hoạch đề ra.   

Theo TCĐL số 4/2008