Sự kiện

Yên Bái: Bao giờ người dân di cư vùng lòng hồ Thác Bà có điện?

Thứ tư, 7/11/2007 | 00:00 GMT+7

Hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhường đất cho xây dựng Công trình Thuỷ điện Thác Bà, vậy mà suốt mấy chục năm qua, họ vẫn sống trong cảnh đèn dầu, thèm khát ánh sáng điện, bao giờ họ được sử dụng điện?

Thủy điện Thác Bà đã từng ghi dấu ấn lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, vậy mà sau hàng chục năm đi vào vận hành, đóng góp cho đất nước hàng chục tỷ kWh điện, nhưng những người dân đã phải di chuyển đi nơi khác nhường lại mảnh đất yêu dấu để xây dựng công trình thì đến nay vẫn chưa được dùng điện, mặc dù họ sinh sống ở những vùng đất mới liền kề nguồn điện Thác Bà. Đây là một nghịch lý và cũng là vấn đề rất bức xúc của người dân trong suốt mấy chục năm qua. Trước thực tế đó, năm 2003, EVN và lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng lưới điện cho các thôn bản thuộc 44 xã có dân di cư từ vùng lòng hồ Thác Bà, theo cơ chế: Ngành điện đầu tư đường dây trung áp và các trạm biến áp; ngân sách địa phương đầu tư lưới hạ áp và công tơ; các hộ dân đầu tư đường dây từ sau công tơ về gia đình. Quy mô dự án gồm 105,95 km đường dây trung áp, 66 trạm biến áp phân phối 35(10)/0.4 kV và 195,6 km đường dây hạ thế, với tổng mức đầu tư 47,8 tỷ đồng.

Ngay trong năm 2003, ngành Điện đã chỉ đạo Công ty Điện lực 1, Điện lực Yên Bái khẩn trương triển khai dự án. Đến 2005, toàn bộ các hạng mục trong dự án thuộc phần trách nhiệm của ngành Điện đã hoàn thành với khối lượng 105,92 km đường dây trung áp và 66 trạm biến áp phân phối, dung lượng 5.227 kVA, tổng mức đầu tư 23,322 tỷ đồng. Còn về phía tỉnh Yên Bái, do khó khăn nên việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế không đạt được kế hoạch như đã thoả thuận với EVN. Từ năm 2004-2006, tỉnh đã đầu tư được 14 xã với 45 km đường dây và bổ sung thêm một trạm biến áp 100 kVA, với tổng mức đầu tư là 6,566 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay JBIC là 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có một số xã đã vận động nhân đóng góp xây dựng lưới điện hạ thế đưa điện về các hộ dân. Như vậy tính đến tháng 8/2007 vẫn còn tới 15/44 xã với hơn 20 trạm biến áp chưa được đầu tư lưới điện hạ thế, các hộ dân không được sử dụng điện, gây bức xúc trong nhân dân và lãng phí nguồn vốn đầu tư của ngành Điện.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Điện lực và Nghị định 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực, việc đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế của tỉnh Yên Bái đã bị chững lại do không được phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tiếp tục đầu tư cho các xã còn lại trong dự án. Phần trách nhiệm này được Luật quy định là của các tổ chức kinh doanh bán điện trên địa bàn phải đầu tư xây dựng phần lưới hạ thế và công tơ nhưng đối với 15 xã còn lại, hiệu quả của việc kinh doanh bán điện không có nên không một tổ chức nào đứng ra đảm nhiệm phần đầu tư này và người dân vẫn trông ngóng vào sự quan tâm của Nhà nước để được dùng điện lưới quốc gia.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Nguồn vốn của Dự án RE II được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phân bổ cho Yên Bái để đầu tư xây dựng phần lưới điện hạ áp là 5,6 triệu USD, song tỉnh mới chỉ sử dụng khoảng 3,5 triệu USD và phần còn lại là 2,1 triệu USD. Để sử dụng hiệu quả lưới điện thuộc 15 xã vùng lòng hồ Thác Bà mà ngành Điện đã đầu tư từ 2-3 năm nay, nhưng chưa có lưới hạ thế đồng thời cải tạo lưới điện hạ thế chắp vá do dân tự làm không đảm bảo kỹ thuật (ở 8 xã), tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho bổ sung 23 xã vào dự án RE II và được phép sử dụng nguồn vốn vay còn lại khoảng trên 2 triệu USD. Cũng theo ông Ngọc, năm 2006, tuy địa phương triển khai Dự án RE II chậm nhưng từ năm 2007, mọi công việc đã được đẩy nhanh và được Ban chỉ đạo REII Trung ương, đại diện WB tại Việt Nam đánh giá tốt. Chính vì vậy, Yên Bái mong được tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay còn lại để đầu tư cho 15 xã đã có trạm biến áp nhưng chưa có lưới điện hạ thế và cải tạo lưới điện do dân.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, điều kiện hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào địa phương còn hạn chế như tỉnh Yên Bái thì đây có lẽ là một giải pháp tốt nhất. Vì vậy, rất mong Nhà nước và các cấp ngành quan tâm để người dân thuộc các xã vùng lòng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái có cơ hội được sử dụng điện lưới quốc gia.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007