Sự kiện

Khai thác tiềm năng thủy điện tại Quảng Bình

Thứ tư, 7/11/2007 | 00:00 GMT+7

Quảng Bình có 5 con sông đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, trong đó sông Gianh khơi nguồn từ phía Tây Bắc, sông Kiến Giang và sông Long Đại khơi nguồn từ phía Tây Nam. Do địa hình hẹp và dốc, nên thượng nguồn của 3 con sông này có nhiều tiềm năng để xây dựng thủy điện.

              

Sông Gianh với diện tích toàn bộ lưu vực khoảng 4.680 km2, thượng nguồn thuộc 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa có thủy năng lớn nhất. Sau quá trình điều tra khảo sát, được sự đồng ý của UBND Tỉnh, Công ty XDTH Trường Thịnh đã quyết định đầu tư vào 3 công trình thủy điện vùng thượng nguồn sông Gianh bao gồm: La Trọng (Minh Hóa), Kim Hóa và Khe Rôn (Tuyên Hóa).

Thủy điện La Trọng cách cửa khẩu Quốc tế Cha Lo 25 km, đã được khởi công vào đầu tháng 5/2007. Nhà máy có công suất lắp đặt 18 MW gồm 2 tổ máy, với điện năng bình quân khoảng 60 triệu kWh/năm. Đập dâng nước có cao độ 205m, dài 204 m tạo ra khu vực hồ chứa với diện tích 1,84 km2 nằm trên địa bàn xã Trọng Hóa với mức nước ở cao trình 200m. Hiện tại, các đơn vị thi công đang tiến hành thi công đường công vụ nối quốc lộ 12A vào nhà máy và Điện lực Quảng Bình đã lập phương án cấp điện thi công khu vực nhà máy, khu Quản lý vận hành Thủy điện La Trọng.

Thủy điện Kim Hóa với công suất lắp đặt 12 MW, điện năng bình quân khoảng 50 triệu kWh/năm, có đập dâng cao 30m, dài 200m. Đây là công trình thủy điện kết hợp khai thác nguồn nước, điều tiết dòng chảy, hạ cao trình mực nước lũ, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch và nhất là sử dụng nguồn nước cho tưới tiêu, sinh hoạt. Dự kiến tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 200 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Thủy điện Khe Rôn trước đây đã được xây dựng với công suất chỉ 40 KW cấp điện cho trung tâm thị trấn Đông Lê, huyện Tuyên Hóa. Sau khi có điện lưới, do công trình xuống cấp không còn hiệu quả, nên đã loại bỏ. Qua khảo sát lại nguồn thủy năng, tại đây có thể đầu tư xây dựng nhà máy với công suất từ 5 - 8 MW, điện năng bình quân khoảng 21 triệu kWh/năm. Đập chính nhà máy cao 46 m, dài 220 m tạo được dung tích hồ 58 triệu m3 nước kết hợp dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái trong vùng. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng. Tạo bước đột phá đầu tiên, Công ty XDTH Trường Thịnh mạnh dạn đầu tư để khai thác tiềm năng thủy điện tại Quảng Bình.

Đầu tháng 8/2007, UBND tỉnh Quảng Bình thông qua thêm 2 dự án đầu tư thủy điện. Trong đó, dự án thủy điện Khe Nét, huyện Tuyên Hóa có công suất 5 MW do Công ty CP Cosevco-1 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 108 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 18 tháng. Hồ chứa chỉ tác động đến 290 ha đất và rừng nghèo, trong vùng lòng hồ không có hộ dân nào. Còn dự án trên thượng nguồn sông Kiến Giang do Công ty XDTH Sơn Hải làm chủ đầu tư gồm 2 nhà máy thủy điện là Rào Châu và Khe Kích (huyện Lệ Thủy) với công suất lắp đặt 14 MW, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 24 tháng. Khu vực lòng hồ nằm trong vùng đất trống, rừng nghèo và không phải di dời hộ dân nào. Ngoài ra, thượng nguồn sông Long Đại thuộc huyện Quảng Ninh cũng được khảo sát và có thể khai thác với nhà máy có công suất từ 8 - 10 MW. 

Vừa qua, PC3 đã thẩm tra hồ sơ quy hoạch đấu nối các nguồn thủy điện tại Quảng Bình với lưới điện quốc gia. Đây là cơ sở để ngành Điện và các cơ quan liên quan của Tỉnh cũng như chủ đầu tư phối hợp đồng bộ nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư, thi công nguồn và lưới điện. Trong đó, đáng quan tâm nhất là phương án đầu tư đấu nối của Thủy điện La Trọng với lưới điện quốc gia. Với thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi, Quảng Bình sẽ khai thác tiềm năng thuỷ điện hiệu quả về kinh tế  xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007