Sự kiện

Ngành điện tham gia kiềm chế lạm phát

Thứ ba, 8/7/2008 | 10:00 GMT+7

* Đình hoãn 370 hạng mục công trình với giá trị vốn 1.235 tỷ đồng

PC3- Tiết kiệm điện

Từ cuối năm 2007, trong quá trình xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD), đầu tư xây dựng cho năm 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xác định 2008 là một năm đặc biệt khó khăn do những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm, chống lang phó, giảm chi phí, tăng hiệu quả SXKD, nâng cao năng suất lao động và tăng hiệu quả đầu tư. Những giải pháp này được triển khai từ đầu năm đến nay đã góp phần kiềm chế lạm phát đạt hiệu quả.

Trong điều kiện phụ tải tiếp tục tăng cao (5 tháng đầu năm tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2007), nguồn điện thiếu, lượng điện mua ngoài với giá cao tăng, EVN đã yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm điện cho sản xuất, sinh hoạt thiết yếu, kết hợp tiết kiệm 1,5% điện thương phẩm (tương đương 1.034 triệu kWh). Theo đó, với các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm, có công suất sử dụng từ 500kV trở lên, hoặc có điện năng tiêu thụ hằng năm từ 3 triệu kWh trở lên, phải thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc. EVN tổ chức hơn 1.000 điểm bán đèn tiết kiệm điện không tính lãi tại các đơn vị. Các đơn vị được chỉ đạo tập trung xóa bán điện qua công tơ tổng, tăng cường kiểm tra áp giá đúng đổi tượng, tiếp nhận thêm lưới điện nông thôn để bán trực tiếp đến hộ sử dụng, nhằm tăng giá bán điện bình quân đạt 865 đ/kWh (tăng thêm 5-7 đ/kWh). Mặt khác, EVN đã giảm tổn thất điện năng xuống 9,6% (giảm 0,9% so với năm 2007), tương đương với lượng điện tiết kiệm được là 615 triệu kWh.

Do chi phí “đầu vào” cho sản xuất điện không ngừng tăng, trong khi giá điện chưa được điều chỉnh, năm 2008 EVN đã coi tiết kiệm chi phí là giải pháp bắt buộc nhằm giảm giá thành; yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiết kiệm 5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài và tiết kiệm 10% chi phí sửa chữa lớn. Theo đó, các quy định về chi tiêu nội bộ, sử dụng phương tiện … được điều chỉnh cho phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm toán chi phí, 6 tháng đầu năm nay, Công ty Điện lực 2 đã thực hiện định mức chi phí mức 29,29 đ/kWh thấp hơn so với kế hoạch giao là 29,45 đ/kWh (tương đương tiết kiệm khoảng 120 tỷ đồng). Giám đốc Nguyễn Thành Duy cho biết, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ tận dụng vật tư thu hồi từ các công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn còn sử dụng được cho công tác gắn điện kế, sửa chữa thường xuyên, hạn chế mua sắm vật tư để giảm chi phí; ưu tiên sửa chữa công trình lưới điện để giảm tổn thất; áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý SXKD, giảm chi phí xăng dầu trong đi lại; mua sắm vật tư theo cơ chế đấu thàu công khai để mua với giá hợp lý nhất … Tăng cường xử lý vật tư thiết bị tồn động, kém phẩm chất; xử lý nợ khó đòi; tăng năng suất lao động … cũng được EVN coi là những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả SXKD và kiềm chế lạm phát.

Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội, trong cơ cấu đầu tư hàng năm, lượng vồn cho các công trình nguồn, lưới điện chiếm đại đa số. Do vậy, hầu hết công trình EVN đang triển khai đều là công trình trọng điểm cấp Nhà nước, được duyệt để đáp ứng nhu cầu phụ tải nên cần phải đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, EVN rà soát đình hoãn các công trình, hạng mục công trình trong một số lĩnh vực như góp vốn ra ngoài ngành chưa có hiệu quả ngay … Theo đó, có khoảng 370 hạng mục công trình sẽ được đình hoãn với giá trị vốn 1.235 tỷ đồng trên tổng giá trị 43.130 tỷ đồng (chiếm 2,86%).

Theo Hà Nội mới