Sự kiện

Phát huy lợi thế am hiểu ngành EVNFC – “cánh tay nối dài” huy động vốn phát triển điện

Thứ hai, 14/7/2008 | 10:04 GMT+7
Theo Giấy phép thành lập và hoạt động được cấp ngày 7/7 vừa qua, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC) có số vốn điều lệ lớn thứ 2 (2.500 tỷ đồng) trong hệ thống gồm 14 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Các cổ đông sáng lập của EVNFC là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm 40% vốn điều lệ - tương đương 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) chiếm 8,4% - tương đương 210 tỷ đồng, Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE) chiếm 1,8% - 45 tỷ đồng. Các cổ đông phổ thông khác là các tổ chức và thể nhân chiếm 49,8% - 1245 tỷ đồng (bao gồm hơn 80.000 cán bộ công nhân viên ở các đơn vị thuộc EVN, các tổ chức liên kết như Công ty Cổ phần chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán Hà Thành, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu…).

Ra đời trong thời điểm nền kinh tế Việt Nam nói chung, của ngành điện nói riêng đang đối đầu với những khó khăn về lạm phát, EVNFC được coi là công cụ đắc lực cho EVN trong việc nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn vốn của Tập đoàn, được ví như “cánh tay nối dài” của EVN trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư nguồn, lưới điện và phục vụ quá trình cổ phần hóa các DNNN, đặc biệt là các đơn vị trong ngành điện.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010, nhu cầu vốn đầu tư của toàn ngành điện đã vào khoảng 325.478 tỷ đồng, trong đó riêng EVN phải huy động khoảng 222.771 tỷ đồng (hiện tại đã cân đối được đến năm 2010 khoảng 157.094 tỷ đồng, vẫn còn thiếu tới 94.266 tỷ đồng chưa thu xếp được). Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2015, EVN phải chịu trách nhiệm đầu tư 48 nhà máy với công suất 33.245 MW với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện đồng bộ vào khoảng 690.000 tỷ đồng, nhưng ngoài phần vốn tự có, EVN và các đơn vị thành viên phải cần huy động thêm 480.000 tỷ đồng nữa. Trong khi thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam chưa phát triển, khả năng huy động vốn của các ngân hàng trong nước còn hạn chế do vốn điều lệ chưa cao, không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của ngành điện, thì việc thành lập một Công ty tài chính với mục đích huy động vốn đầu tư cho ngành điện được đánh giá là vô cùng cần thiết.

Ông Hoàng Văn Ninh, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Nhiệm vụ của EVNFC là đánh giá phân tích hiệu quả đầu tư và làm đầu mối thu xếp vốn cho các dự án của các thành viên trong EVN, hỗ trợ và tạo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc huy động các nguồn lực tài chính đầu tư phát triển ngành điện; từng bước chuyển từ cơ chế tài chính tập trung hành chính của Tập đoàn sang cơ chế liên kết tài chính; tư vấn quản lý và huy động các nguồn vốn; làm đầu mối tiếp xúc, thu thập thông tin và xây dựng các phương án huy động vốn trong xã hội; thực hiện công tác bảo hiểm, dự phòng, phân tán rủi ro về tài chính, quản lý, bảo toàn và phát triển vốn của EVN”.

Chính vì vậy, ngay từ đầu, Công ty đã xác định ngành nghề kinh doanh gắn liền với sự phát triển của ngành điện Việt Nam và các đối tác liên kết: hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng; thí nghiệm, hiệu chỉnh các thiết bị điện; lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng; tư vấn  giám sát thi công xây lắp các công trình điện; mua bán xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; sản xuất, chế tạo các thiết bị, vật tư phụ tùng cơ - nhiệt điện; đầu tư các công trình nguồn và lưới điện; quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, các công trình nhiệt điện, công trình kiến trúc của nhà máy điện; bồi dưỡng cán bộ công nhân viên về quản lý thiết bị vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị nhà máy điện; đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán và kinh doanh bất động sản.

Ông Ninh cho biết, với  phương châm “Chúng tôi phấn đấu vì sự phồn vinh và hưng thịnh của đất nước”, EVNFC sẽ song hành với các khách hàng của mình bằng việc cung cấp nguồn vốn ổn định với chi phí hợp lý, tiến độ đảm bảo; hỗ trợ quá trình lập và triển khai dự án của các đối tác với kinh nghiệm, am hiểu tài chính và đặc thù các đơn vị ngành điện; chia sẻ các cơ hội kinh doanh, đầu tư lợi nhuận cao; cung cấp các thông tin kinh tế, tài chính cập nhật, đáng tin cậy nhằm hỗ trợ các đối tác trong việc ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời; cung cấp các dịch vụ tài chính một cách chuyên nghiệp, chất lượng với chi phí cạnh tranh; phục vụ trực tiếp cán bộ nhân viên của các đối tác với các dịch vụ tài chính đa dạng, thuận tiện và giá cả hấp dẫn…

Theo kế hoạch, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của Công ty trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt 8,23%, mục tiêu của năm 2009 là 12,15% và năm 2010 đạt 18,08%. Công ty cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản dự kiến đến 2010 sẽ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng - tăng hơn 8 lần so với vốn điều lệ ban đầu. Trong năm 2008, Công ty cũng dự kiến sẽ triển khai  dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu cho các đơn vị trong Tập đoàn thông qua việc phối hợp với các định chế tài chính có kinh nghiệm như ABBank, HSBC… để phát hành khoảng từ 2000 - 4000 tỷ đồng trái phiếu cho các đơn vị thuộc EVN. Công ty sẽ mở rộng mạng lưới hoạt động thông qua việc mở một chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh (dự kiến khai trương vào quý 4/2008), mở thêm một phòng giao dịch tại Hà Nội. Trong năm 2009, sẽ tiếp tục mở chi nhánh tại Đà Nẵng, các phòng giao dịch tại Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành phố lớn, các địa phương có các dự án điện lớn, các trung tâm kinh tế, tài chính, ngân hàng của Việt Nam và văn phòng đại diện tại nước ngoài để kết nối với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Nguyễn Long