Sự kiện

Vì sự an toàn cho người lao động

Thứ năm, 10/7/2008 | 10:44 GMT+7

Trong năm 2007, cùng với việc thực hiện trách nhiệm là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động ngành Điện, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn làm tốt công tác an toàn – bảo hộ lao động (AT-BHLĐ) của EVN, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.

 

Thực hiện các biện pháp AT-BHLĐ vì sự an toàn trong lao động sản xuất     

Năm 2007 là năm EVN chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn, nhưng cơ cấu tổ chức cơ bản không có nhiều thay đổi, đặc biệt là lực lượng cán bộ làm công tác an toàn, BHLĐ của chuyên môn và Công đoàn vẫn được duy trì và củng cố. Các hoạt động của lĩnh vực AT-BHLĐ luôn được tổ chức đẩy đủ, chặt chẽ. Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (VSLĐ) – phòng chống cháy nổ (PCCN) năm 2007, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với chuyên môn tổ chức lễ phát động tuần lễ An toàn VSLĐ – PCCN tại Công ty Điện lực Đà Nẵng – đơn vị xuất sắc trong công tác BHLĐ nhiều năm qua – với phương châm tiết kiệm, trang trọng, có tác dụng thiết thực đối với công tác BHLĐ. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động phong trào trong toàn ngành Điện và tiến hành kiểm tra thực tế ở một số đơn vị khu vực miền Nam. Tất cả các đơn vị thuộc EVN cũng tổ chức phát động hưởng ứng Tuần lễ và nội dung hoạt động được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Phong trào đã lôi cuốn được nhiều CNVC-LĐ tham gia, qua đó đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người đối với công tác an toàn vệ sinh lao động.

Mạng lưới ATVSV cũng được hình thành ở tất cả tổ sản xuất của các đơn vị thuộc EVN. Công đoàn cơ sở có trách nhiệm quản lý và duy trì hoạt động của mạng lưới ATVSV. Những công nhân kỹ thuật có trình độ, kinh nghiệm, nhiệt tình, có uy tín, được bầu là ATVSV. Lãnh đạo chuyên môn phối hợp với ban chấp hành Công đoàn cơ sở ra quyết định công nhận ATVSV. Hầu hết các đơn vị đã có quy chế hoạt động, có sinh hoạt định kỳ, chấm điểm đánh giá hiệu quả hoạt động của từng ATVSV. Các ATVSV được hưởng chế độ phụ cấp bồi dưỡng trách nhiệm khoảng từ 20 đến 50 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh các hoạt động thường nhật của mạng lưới ATVSV, Công đoàn các đơn vị dưới sự chỉ đạo của Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức hội thi ATVSV giỏi hằng năm. Một số đơn vị đã có 7 lần tổ chức hội thi ATVSV giỏi như Công đoàn Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Công đoàn Nhà máy Thủy điện Ialy. Một số đơn vị khác đã 4 lần tổ chức hội thi. Thông qua các hội thi, công nhân lao động, các ATVSV có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm hoạt động, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ATVSV.

Năm 2007, Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội thi ATVSV cấp Tập đoàn lần thứ 3 ở 3 cụm là Phả Lại – Hải Dương, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ đạo huấn luyện đội tuyển ATVSV Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng – đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham dự Hội thi ATVSV giỏi toàn quốc lần thứ 3. Đội đã đạt giải Nhất Hội thi và giải Nhất về phần trả lời lý thuyết.  Thành tích này đã góp phần khích lệ CNVC-LĐ ngành Điện nỗ lực hơn nữa vì sự an toàn trong lao động để dòng điện luôn được thông suốt. Cùng với việc tổ chức hội thi ATVSV,  Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV” với sự tham gia của hầu hết các chủ tịch Công đoàn các công ty, cơ sở. Hội thảo đã đánh giá nghiêm túc ưu, khuyết điểm trong hoạt động của mạng lưới ATVSV thời gian qua và đề ra những phương hướng, đổi mới nội dung hoạt động trong thời gian tới.

Nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền pháp luật BHLĐ, phát triển phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, đặc biệt là cải thiện điều kiện và môi trường lao động, Công đoàn các cấp trong ngành Điện đã triển khai chiến dịch tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể CBCNV mục đích, tầm quan trọng và mục tiêu của phong trào; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như đài, báo, truyền hình và các hình thức tuyên truyền khác, giáo dục công nhân lao động nâng cao nhận thức và trách nhiệm làm cho môi trường lao động “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Điển hình là phong trào thi đua xây dựng “Trạm biến áp kiểu mẫu” trong EVN. Đây là một trong những phong trào được phát động, chỉ đạo sát sao, bài bản, có kết quả thiết thực và được duy trì tốt. Từ phong trào này EVN đã chính thức ban hành “Tiêu chuẩn chấm điểm thi đua Trạm biến áp 110 - 220 - 500 kV kiểu mẫu cấp Tổng công ty”.

Đối với vấn đề môi trường lao động, các cơ sở sản xuất đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhà xưởng, đổi mới thiết bị, công nghệ lắp đặt hệ thống xử lý tro, bụi, khí thải như: Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức... Nhờ đó đã cải thiện cơ bản môi trường lao động cho công nhân nhà máy, cải tạo môi trường sống cho nhiều khu vực dân cư của các vùng lân cận. Tất cả các nhà máy điện, các trạm biến áp từ 110 kV trở lên thuộc ngành Điện đang thực hiện nghiêm túc công tác giám sát môi trường, báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường cho các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Các nhà máy điện khí của ngành Điện cũng chú trọng việc đầu tư thiết bị, công nghệ cho chu trình hỗn hợp, tăng hiệu suất các tổ máy, giảm đáng kế lượng khí thải CO2 ra môi trường...

Thực hiện các quy định của Nhà nước về bồi huấn, huấn luyện an toàn - BHLĐ, hằng năm đến hết tháng 5, các đơn vị cấp công ty, cơ sở hoàn thành việc huấn luyện an toàn – BHLĐ cho người lao động; công đoàn cơ sở hoàn thành việc huấn luyện BHLĐ cho mạng lưới ATVSV. Những người không đạt kết quả trong kỳ sát hạch đều được đi học và kiểm tra lại. Những công nhân lao động trực tiếp có thay đổi vị trí công việc, cấp bậc an toàn đều được cấp lại thẻ an toàn mới. Từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, EVN tổ chức huấn luyện BHLĐ và sát hạch cho đội ngũ những người sử dụng lao động các công ty, cơ sở như giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch công đoàn, chủ tịch HĐQT, cán bộ an toàn. Năm 2007, EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại những nghề chưa có tài liệu huấn luyện an toàn để thực hiện biên soạn tài liệu cho phù hợp.

Tuy nhiên, các trang thiết bị bảo hộ lao động của ngành Điện có chất lượng cao, công tác AT-BHLĐ ở các đơn vị được Công đoàn Điện lực Việt Nam cùng với chuyên môn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi từ chủ trương chính sách, đến kinh phí, song theo số liệu thống kê, tai nạn lao động trong ngành Điện vẫn còn xảy ra mà nguyên nhân chính là do người lao động không thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật và biện pháp an toàn lao động. Họ chủ quan trong lao động gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình, đồng thời làm ảnh hưởng đến công tác chung toàn đơn vị. Trong số các vụ tai nạn, người có tuổi nghề từ 1 đến 5 năm chiếm tỷ lệ cao. Điều này đã đặt ra cho Công đoàn và chuyên môn các đơn vị ngành Điện phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, đào tạo về các biện pháp ATLĐ, đặc biệt chú trọng đến những lao động mới vào nghề. 

Đối với lao động trong mọi lĩnh vực của xã hội đều phải chú trọng đến AT-BHLĐ, bởi nó không chỉ quyết định đến hiệu quả công việc mà ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, sức khỏe, đặc biệt là tính mạng của người lao động. Vì thế, hơn lúc nào hết, các tập thể, tổ chức công đoàn và mỗi cá nhân người lao động ngành Điện cần sát sao với công tác AT-BHLĐ, nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động để bảo vệ chính mình. 

Theo TCĐL số 5/2008