Sự kiện

Thấy gì từ sự cố cháy trạm 110kV Móng Cái

Thứ tư, 9/7/2008 | 10:06 GMT+7

Sự cố cháy Trạm 110 kV Móng Cái đã xảy ra cách đây gần một năm, song những bất cập trong công tác quản lý kỹ thuật, sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quản lý vận hành giữa các đơn vị… vẫn là vấn đề mang tính thời sự, là bài học cần được lưu ý, xem xét thường xuyên đối với các đơn vị trong ngành.

Diễn biến vụ việc

Theo nhật ký vận hành Trạm biến áp 110 kV Móng Cái và bản tường trình của nhân viên trực ca, sự cố bắt nguồn từ máy cắt 471 trong buồng 22+10 kV, làm lửa bùng cháy lan ra các tủ máy cắt 473, 475 và toàn bộ buồng 22+10 kV, gây mất điện toàn bộ thị xã Móng Cái và một phần huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Diễn biến vụ việc như sau: Vào khoảng hơn 2 giờ ngày 18/6/2007, máy cắt (MC) 471 nhảy, thiết bị tự động đóng MC 471 trở lại nhưng MC 471 lại nhảy ngay (tự đóng lại không thành công, bảo vệ I0 cấp 1 và cấp 2 tác động). Phía 110 kV rơ le 7SJ bảo vệ đường dây 171 báo tín hiệu quá dòng. Ngay sau đó, trực ca trạm báo điện thoại cho Điều độ Điện lực Quảng Ninh và nhận được lệnh đóng lại MC 471. Nhân viên trực trạm thao tác đóng MC 471 bằng khóa điều khiển điện tại tủ MC 471 (lúc này các tín hiệu rơle bảo vệ lộ 471 đã được gỡ bỏ). Sau khi đóng MC 471 thì có tiếng phóng điện, nổ to và lửa phụt ra từ trong MC 471, đồng thời điện chiếu sáng trong phòng điều khiển cũng mất. Cả 2 nhân viên trực chạy vào phòng điều khiển trung tâm để cắt các MC tổng 431, 131 nhưng không được, họ tiếp tục ra ngoài để cắt MC 131 và MC 172 tại chỗ bằng cơ khí và phát hiện tủ điều khiển quạt làm mát MBA T1 cháy, lửa xuất hiện tại một số điểm quanh MBA T1. Trong khi đó tại buồng 22+10 kV, lửa đã cháy rất lớn, đám cháy từ tủ MC 471 lan sang các tủ bên cạnh, khói mù mịt khắp nơi, dùng bình chữa cháy của trạm không dập được vì đám cháy quá to, phải huy động lực lượng tại chỗ của đơn vị và Công an PCCC địa phương đến ứng cứu.

Sự cố đã làm hư hỏng nghiêm trọng các thiết bị trong trạm. Các bu long giá đỡ quạt làm mát vào giàn cánh tản nhiệt quanh MBA bị phóng điện, nắp chụp ty sứ 110 kV pha B và cánh tản nhiệt trên quạt mát số 2 MBA bị cháy dầu. Tủ đấu dây bên hông MBA, tủ điều khiển quạt mát ngoài trời cạnh MBA bị cháy đen. Cáp điều khiển quạt mát bị cháy hỏng hoàn toàn, nhiều cáp điều khiển, nhị thứ xung quanh máy và dưới hầm cáp khu vực MBA T1 bị phóng điện. Cáp 22 kV đầu cực MBA T1 có nhiều vết phóng điện tại các bu lông bắt vào xà đỡ; đầu cáp pha A có vết phóng điện tại cổ cáp, dây tiếp địa cổ cáp bị phóng cháy đứt rời; thân cáp pha B cách mặt đất 1,20 m có vết cháy sủi vỏ cáp dài 20 cm. Khu vực buồng 22+10 kV: Tủ MC 471 bị cháy rụi hoàn toàn kể cả giàn thanh cái; tủ MC 473 và tủ MC 475 bị cháy toàn bộ ruột kể cả giàn thanh cái; tủ MC 431 cháy hỏng các thiết bị nhị thứ, rơ le, đồng hồ phía trên của tủ, các chi tiết nhựa bị cháy hoàn toàn do nhiệt độ cao; Các tủ 22 kV còn lại gồm tủ CS-C41, TU-C41, MC441, MC412, 412-2, MC 442, MC 472, MC 474, MC 476 (DP), MC 478 (DP), TU-C42 bị hư hỏng các thiết bị nhị thứ, rơ le, đồng hồ phía trên các tủ, các chi tiết bằng nhựa bị nóng chảy; các tủ 10 kV tuy không bị lửa bén trực tiếp nhưng bị ảnh hưởng do nhiệt độ cao trong phòng và bụi khói làm nóng chảy các chi tiết bằng nhựa, không còn hình dạng ban đầu; trần và tường nhà bị ám khói đen, riêng tường và trần khu vực MC 471, 473 bị bong tróc từng mảng vữa lớn, để lộ gạch và bê tông tường; rơ le quá tải và rơ le tín hiệu gar nhẹ tại tủ bảo vệ MBA T1 bị nổ bắn ra ngoài gây vỡ cửa kính của tủ. Cáp xuất tuyến lộ 471 phía tủ MC 471 tại pha C bị tụt đầu cốt rơi xuống đáy tủ, không có vết phóng điện; cả 3 đầu cáp phía này đều không được làm đầu cáp co ngót. Đầu lên cột xuất tuyến pha A và B bị phóng điện đứt ngang sợi cáp, vị trí cả 2 đoạn cáp bị đứt đều cao 13,4 m so với mặt đất, vết phóng điện lõm sâu vào trong ruột cáp. Cột xuất tuyến là cột sắt cao 25 m, cột néo cuối, thanh giằng chéo V63 và thanh ngang V63 ở độ cao khoảng 14 m bị biến dạng do nhiệt độ cao. Dọc theo cột có các vết phóng điện tại các điểm có giá cố định cáp. Trên thân cáp còn có điểm phóng điện xuyên vỏ cáp, ống bảo vệ cáp vào giá đỡ cách mặt đất 1,5 m. Dưới chân cột có vết phóng điện tại bu lông bắt tiếp địa, hầm cáp chân cột có đoạn tiếp địa bị phóng điện đứt rời tại điểm mỏng nhất. Ngoài ra cáp xuất tuyến lộ 473 tại cột xuất tuyến chung với lộ 471 cũng bị cháy vỏ cáp đoạn phía trên cao khoảng 16 m so với mặt đất.

Vấn đề cần lưu ý

Theo phân tích của Ban Kỹ thuật an toàn EVN, tại các đầu cáp 22 kV lộ 471 trên cột xuất tuyến pha A - B bị phóng điện và đứt ngang thân cáp, đầu cáp phía nối về nguồn có vết phóng điện lõm sâu vào lõi đồng của cáp dạng hình phễu; 2 đầu cáp bị đứt rời có sử dụng đầu cáp co ngót ngoài trời, nhưng không có tiếp địa vỏ cáp,  pha C còn khá nguyên vẹn, có đầu cáp co ngót ngoài trời và không có tiếp địa vỏ cáp trong đầu cáp. Cách đầu cáp 1,5 m tính từ đầu cốt có vết cắt vỏ cáp để lộ vỏ kim loại của cáp ngay dưới lớp vỏ PVC, tại đây có 1 đoạn dây đồng mềm M35 xoắn vào lớp vỏ kim loại này và được băng bằng cao su non; đầu kia của đoạn dây M35 bắt vào cột sắt để làm tiếp địa vỏ cáp. Hiện tượng phóng điện này có thể đã xảy ra nhiều lần trong thời gian qua nhưng không được phát hiện, khắc phục kịp thời, làm cho cách điện XLPE của cáp ngày càng bị tổn thương nặng. Mặt khác, trong khi đường dây 471 vẫn còn sự cố, Điều độ Điện lực Quảng Ninh lại lệnh đóng MC 471 làm cháy MC 471, MC 473, MC 475 và cháy lan ra nhiều khu vực khác.

Nguyên nhân sự cố ban đầu do sự cố ngăn mạch 2 pha chạm đất xuất hiện tại đầu cáp 22 kV lộ 471 trạm 110 kV Móng Cái, dẫn đến ngắn mạch 3 pha, sau đó mặc dù thực hiện thao tác không sai quy trình nhưng do thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý sự cố đã dẫn đến gây nổ, cháy MC 471. Với hồ quang lớn tạo ra do nổ MC471 đã dẫn đến từng bước xảy ra cháy nổ lan rộng trong trạm. Đây là sự cố cấp 1, gây hậu quả nghiêm trọng làm gián đoạn cung cấp điện diện rộng, đồng thời gây cháy nổ làm hư hỏng nhiều thiết bị lớn, quan trọng trong Trạm 110 kV Móng Cái. Cũng theo Ban KTAT, trong hơn 11 năm quản lý vận hành, đơn vị quản lý đã không kiểm tra, thí nghiệm các đường cáp pha A, B, C (vi phạm Điều 731 Quy phạm kỹ thuật vận hành nhà máy điện và lưới điện: Các đường cáp phải được định kỳ thí nghiệm dự phòng bằng dòng điện 1 chiều điện áp tăng cao theo quy định của cơ quan quản lý điện). Mặt khác, Điều độ Điện lực Quảng Ninh ra lệnh đóng lại đường cáp khi thao tác đóng lại không thành công (vi phạm Điều 80: Đóng điện lại đường cáp sau khi nhảy sự cố của Quy trình xử lý sự cố hệ thống điện quốc gia)… khiến cho sự cố trở nên càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa ĐL Quảng Ninh và Xí nghiệp QLVH lưới 110 kV miền Bắc còn bất cập trong công tác quản lý kỹ thuật: Từ vấn đề điều độ vận hành lưới điện đến việc quản lý tình trạng thiết bị, quản lý vận hành cũng chưa hoàn toàn đồng bộ, chặt chẽ.

 

Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt tốt các yếu cầu vận hành thiết bị trạm là biến pháp giảm thiểu sự cố có hiệu quả

Ngay sau sự cố, Công ty Điện lực 1 đã tích cực tổ chức điều tra tìm nguyên nhân, chỉ đạo tốt các đơn vị trực thuộc nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm cung cấp điện trở lại cho khu vực. Tuy nhiên, để tránh xảy ra những sự cố tương tự, EVN đã yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm từ sự cố Trạm 110 kV Móng Cái, có biện pháp hữu hiệu phát hiện kịp thời các khiếm khuyết cơ bản trên phần lưới điện do đơn vị quản lý; rà soát lại các quy trình nghiệm thu công trình điện, bổ sung sửa đổi và biên soạn mới (nếu chưa có) nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành (đặc biệt chú ý công tác nghiệm thu trạm biến áp) trình Tổng giám đốc xem xét, phê duyệt và ban hành để áp dụng trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tốt công tác bồi huấn, kiểm tra trình độ cán bộ công nhân vận hành trạm về các quy trình điều độ và vận hành thiết bị liên quan, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố chủ quan.

 

"Điều 80. Đóng điện lại đường cáp sau khi nhảy sự cố

1. Khi máy cắt của đường cáp nhảy do bảo vệ rơ le tác động, không cho phép đóng lại đường cáp này. Cấp điều độ điều khiển phải giao cho đơn vị quản lý, vận hành đường cáp tiến hành thí nghiệm kiểm tra cách điện của đường cáp này. Chỉ sau khi đơn vị quản lý xác nhận đường cáp đủ tiêu chuẩn vận hành hoặc đường cáp nhảy là do bảo vệ rơ le tác động nhầm, cấp điều độ điều khiển mới được phép đóng lại đường cáp này.

2. Đối với trường hợp đường cáp chỉ là đoạn ngắn của đường dây trên không, nếu không có quy định riêng thì chỉ cho phép đóng lại một lần (kể cả lần tự động đóng lại). Nếu đóng lại không thành công, nhân viên vận hành phải tiến hành phân đoạn (nếu có phân đoạn) để đóng lại đường dây không theo quy định và thực hiện thí nghiệm kiểm tra cách điện đoạn cáp của đường dây này.".    

Theo TCĐL số 5/2008