Sự kiện

Tiết kiệm điện: Chuyện từ công sở

Thứ ba, 15/7/2008 | 10:00 GMT+7
Nếu như doanh nghiệp, chi phí cho năng lượng (ở đây xin chỉ giới hạn ở năng lượng điện) được tính vào giá thành sản phẩm, tại gia đình, chi phí này “đánh” trực tiếp vào… túi tiền của mỗi hộ thì tại các đơn vị hành chính sự nghiệp được coi là một trong những đối tượng quan trọng trong chương trình tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm điện).
Ông Đào Hồng Thái, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC) cho biết: Những năm gần đây, nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp đã rất quyết liệt trong việc tiết kiệm chi phí công, trong đó có tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là với những đơn vị đã thực hiện khoán chi ngân sách. Riêng tại Hà Nội, nếu tiết kiệm tối đa, các tòa nhà sẽ bớt được một khoản chi phí lớn trên tổng giá trị sử dụng cho năng lượng hiện nay. Điều đó giúp TP mỗi năm tiết kiệm được nhiều tỷ đồng để giải quyết những nhu cầu công khác. Hiện ở một số đơn vị, ý thức tiết kiệm được chú trọng. Nhiều cửa ra vào văn phòng đã xuất hiện hàng chữ: “rời văn phòng nhớ tắt đèn, tắt quạt”, nhưng nay còn phải tắt máy lạnh, tắt tủ lạnh… và không dùng điện vào nấu ăn, vì có một số nơi nhân viên văn phòng còn có cái thú “đun” đủ thứ tại nơi làm việc. Cũng theo ông Thái, tuy người sử dụng có ý thức TKNL, nhưng do không được hướng dẫn cách tiết kiệm triệt để nên việc hoang phí năng lượng vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện là giải pháp cơ bản.

Hiện nay, đã có những sản phẩm sử dụng điện có yếu tố tiết kiệm điện như bóng đèn, điều hòa nhiệt độ, hoặc sử dụng ánh sáng mặt trời để thay thế cho hệ thống chiếu sáng ở một số khu vực cũng là một biện pháp hợp lý. Ngoài ra, người sử dụng nhiều khi chỉ cần chú ý những yếu tố nhỏ cũng có thể tiết kiệm khá nhiều năng lượng điện như: Vệ sinh định kỳ máy điều hòa nhiệt độ, quạt, máy tính…; tránh mở cửa ra vào nhiều lần và lâu trong ngày; cài đặt nhiệt độ điều hòa không khí hợp lý (24-260 C); che các giàn nóng ngoài trời; lắp đặt hệ thống đèn hợp lý...

 

Với các công sở, do giá cả các thiết bị sử dụng năng lượng thường không cao nên chi phí để cải tạo hệ thống này nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm không lớn. Mới đây, Hà Nội cũng đã có một số tòa nhà thông minh được xây dựng như tòa nhà Ruby Plaza. Đơn cử như đối với hệ thống điều hòa ở những tòa nhà này, một hệ thống theo dõi các yếu tố liên quan đến quá trình vận hành như nhiệt độ, độ ẩm không khí bên trong, dòng chảy không khí trong ống dẫn gió, áp suất gas trong các đường ống… và xử lý tham số thiết bị, thời gian tham gia vận hành được lắp đặt. Từ đó, hệ thống ghi lại để lập lịch bảo trì và có phương án làm việc tiết kiệm năng lượng nhất. Với khu văn phòng, sử dụng hệ thống điều hòa tổ hợp “nhiều mẹ nhiều con” giúp điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu của từng khu vực. Các tuyến đèn của tòa nhà cũng được vận hành tự động theo lịch trình. Qua màn hình, người vận hành nhận biết được đèn bật/tắt và điều khiển từ xa. Thông thường, lệnh bật/tắt được thực hiện tự động theo lịch trình đặt sẵn. Tuy nhiên, khi cần người sử dụng có thể vận hành tại chỗ các tuyến đèn theo yêu cầu chiếu sáng thực tế…

 

Tuy nhiên, cứ cho là nơi làm việc nào cũng có gắn được “bộ phận tiết kiệm điện”, mức tiết giảm có thể lên đến được 35%-40% điện năng, nhưng tiết giảm từ “bộ cảm ứng của thói quen con người” mới là quan trọng.

 
 

Tiết kiệm năng lượng nơi làm việc từ những thói quen nhỏ nhất, là một nếp sống văn minh hiện đại nơi công sở. 

Theo Kinh tế & Đầu tư